BẢN LĨNH CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH

[9/27/2024 8:23:46 AM, lượt xem: 4 ]

 

1. Là người sáng lập, rèn luyện, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc thực hiện các nguyên tắc của Đảng, trong đó có nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người thường chú trọng đến bản lĩnh của Đảng, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên trong thực hiện tự phê bình và phê bình. Theo Hồ Chí Minh: “Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”. Người cũng chỉ rõ: Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa. Đó chính là Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục yêu cầu toàn Đảng cần thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình; từng đảng viên phải xác định rõ, làm tròn bổn phận, trách nhiệm thiêng liêng, cao cả của người đảng viên khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng; không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; thường xuyên tự phê bình và phê bình; đồng thời, cần gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. Thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình luôn đòi hỏi bản lĩnh của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: Cán bộ, đảng viên cần phải có bản lĩnh trong thừa nhận khuyết điểm, chấp nhận phê bình và sửa chữa khuyết điểm. Vào năm 1949, Người viết trong bài “Thuốc đắng dã tật nói thật mất lòng” đăng trên Báo Sự thật: “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”. Người cũng phê phán những cán bộ, đảng viên không đủ bản lĩnh, không đủ dũng cảm để sửa chữa khuyết điểm, những người này “phê bình, giáo dục mấy cũng cứ ỳ ra, không chịu sửa đổi”. Hồ Chí Minh chỉ rõ “đối với hạng người này”, Đảng phải thật sự có bản lĩnh, phải dũng cảm, “phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”.
 
Những tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt, vận dụng vào thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới. Như Nghị quyết Trung ương năm khóa XIII của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra thực tế tồn tại trong Đảng là một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật... Đồng thời, Đảng đã kiên quyết, kiên trì có chủ trương, giải pháp tích cực để ngăn chặn, khắc phục tình trạng trên, bảo đảm cho Đảng vững mạnh, trong sạch, đủ năng lực và uy tín lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến lên.
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định thực hiện tự phê bình và phê bình là nhằm mục đích học cái hay, tránh cái dở, là “trị bệnh cứu người”, là hỗ trợ, giúp đỡ nhau sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ, để Đảng và cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, tự phê bình và phê bình phải được tiến hành nghiêm túc, phù hợp, hiệu quả. Trước hết, phải có ý chí quyết tâm cao, không sợ, không né tránh tự phê bình và phê bình, phải được tiến hành thường xuyên như rửa mặt hằng ngày. Hồ Chí Minh nêu rất cụ thể: “Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm chọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở trong tự phê bình và phê bình phải tránh tính mỉa mai, bới móc, báo thù, không nên phê bình lấy lệ hoặc “trước mặt không nói, soi mói sau lưng”…
Vừa qua, trong quá trình tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhiều giải pháp tích cực, phù hợp để nguyên tắc tự phê bình và phê bình đạt nhiều kết quả thiết thực. Đồng thời, cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, đề ra và tiến hành quyết liệt các biện pháp để ngăn chặn, sửa chữa, khắc phục các biểu hiện: Trong tự phê bình và phê bình làm qua loa, hình thức xuê xoa, nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác hay “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với mục đích, động cơ thiếu lành mạnh, không trong sáng.
4. Muốn thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đòi hỏi phải có sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, cùng với sự vào cuộc của nhân dân. Đảng ta cần có chủ trương, biện pháp tích cực, phù hợp để phát huy trách nhiệm của các tổ chức đảng, từ Trung ương xuống đến cơ sở, trong đó chú trọng đến vai trò của các chi bộ cùng chủ động thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện phấn đấu, phòng tránh, khắc phục các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Đảng đã chỉ ra là: Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu Đảng phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng và phải hoan nghênh, khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên của Đảng. Người căn dặn Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý của nhân dân mà “sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.
Quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm với Đảng, với dân, với đất nước đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần đoàn kết thống nhất tiếp tục phấn đấu thực hiện thành công các chủ trương, chính sách, phương châm, phương pháp đã đề ra, trong đó điển hình như: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “Tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Chúng ta nhất định sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố và tăng cường vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa./.
CÔNG MINH

Những tin mới hơn