PHẢI ĐÁNH THẮNG VÀ TIÊU DIỆT CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN

[4/17/2024 5:03:17 PM, lượt xem: 13 ]

 

Trong xây dựng, phát huy đạo đức cách mạng của người cộng sản, người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc chống chủ nghĩa cá nhân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể và đạo đức tập thể thì phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân. Năm 1958, Người chỉ rõ: “... đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”. Đến ngày 8-6- 1959, Hồ Chí Minh nói tại Hội nghị toàn Đảng bộ khu Việt Bắc: “Để tu dưỡng đạo đức xã hội chủ nghĩa, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân”.

Muốn đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân thì phải làm gì? Câu hỏi đó được Hồ Chí Minh trả lời rõ ràng, cụ thể với nhiều quan điểm, cách làm tích cực, hiệu quả. Hồ Chí Minh yêu cầu phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích của Đảng, lợi ích của tập thể với lợi ích cá nhân. Người chỉ ra rằng: “Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”. Và “Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thỏa mãn”.

Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở từng đảng viên phải ghi nhớ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tối cao của Đảng (Người gọi là tính Đảng) và đạo đức tối cao của người đảng viên, là: “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì, đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau” và: “Hy sinh lợi ích cá nhân, thậm chí hăng hái vui vẻ hy sinh tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc, cho loài người”.

Hồ Chí Minh phân tích rõ sự phức tạp, khó khăn trong giải quyết mối quan hệ giữa tư tưởng, đạo đức cộng sản, tập thể với lợi ích cá nhân. Người phân tích “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”. Từ đó Hồ Chí Minh căn dặn đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân luôn phải cần sự kiên quyết, kiên trì với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả. Tháng 10-1947, Người viết trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc: “Một người cách mạng bao giờ cũng phải trung thành, hăng hái, xem lợi ích của Đảng và dân tộc quý hơn tính mệnh của mình. Bao giờ cũng quang minh chính trực, ham cách sinh hoạt tập thể, luôn luôn săn sóc dân chúng, giữ gìn kỷ luật, kiên quyết chống lại bệnh cá nhân”. Trong đó, Hồ Chí Minh xác định biện pháp hết sức quan trọng phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phê bình và tự phê bình, nhất là: “Phải luôn tự phê bình một cách thật thà, tự phê bình từ trên xuống dưới”.

 

Trên thực tế, cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh chính là tấm gương ngời sáng, mẫu mực cho tư tưởng trên của Người. Tháng 5-1946, Người tâm sự với đồng bào cả nước: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó”. Chúng ta sẽ không bao giờ quên và sẽ không ngừng phấn đấu thực hiện lời thề son sắt trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ truy điệu Người tháng 9-1969: “Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”.

Trong khi đó các thế lực thù địch, thế lực xấu lại cố tình vu cáo, xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Chúng tuyên truyền rằng, Đảng không đủ năng lực, uy tín để lãnh đạo đất nước, do vậy phải thực hiện đa nguyên, đa đảng, kích động nhân dân phải “lật đổ Đảng Cộng sản”. Chúng tung lên mạng xã hội hàng loạt thông tin xấu theo kiểu “Đảng viên mà có đức, có tài thì vận nước đã khác rồi”, hay: “Tham nhũng có được thành tựu như ngày nay tất cả là nhờ vào nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên”; chúng quy kết cán bộ, đảng viên đều chỉ lo vun vén cá nhân, lợi ích nhóm…

Nhưng sự chống phá đó của các thế lực thù địch, thế lực xấu đã bị bác bỏ bởi sự thật thắng lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay.

Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Bên cạnh những ưu điểm, thành công là cơ bản, Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên mà một trong những nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng xác định, triển khai thực hiện kiên quyết, kiên trì quyết tâm, giải pháp để khắc phục tích cực, hiệu quả chủ trương, mục tiêu được đề ra là: “… phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa… trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”. Và để có được tổ chức đảng và đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh, có uy tín với nhân dân, đòi hỏi phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó từng cán bộ, đảng viên phải tự giác “xác định rõ bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; thường xuyên tự phê bình và phê bình, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”./.

Nguồn FB Sống xanh

Những tin mới hơn