Giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ ở Triệu Phong

[5/3/2019 1:52:46 PM, lượt xem: 955 ]

 Huyện Triệu Phong có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa quan trọng như Di tích lịch sử quốc gia các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558-1626) xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử; Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang ở thị trấn Ái Tử, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn tại xã TriệuThành, Di tích lịch sử quốc gia “Chốt thép Long Quang” xã Triệu Trạch, Tượng đài Chiến thắng Cửa Việt, xã Triệu An…   


 

 

Học sinh tham quan Di tích lịch sử quốc gia “Chốt thép Long Quang”

 

Chốt Long Quang là một mắt xích quan trọng nằm ở vị trí tiền tiêu bảo vệ vòng ngoài phía đông Thành Cổ Quảng Trị. Ngày 20/10/1972, địch bắt đầu phản công tại chốt Long Quang với mật danh là Sóng Thần 36. Địch huy động 1 tiểu đoàn bộ binh với một chi đoàn xe tăng ồ ạt tấn công vào tuyến chốt Long Quang. Từ khi tiếng súng chốt Long Quang nổ, bộ đội, du kích gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi ngày có hai đợt B52, pháo địch cách nhiều nhất là 5 phút liên tiếp dội xuống hòng tiêu diệt lực lượng của ta. Trên mảnh đất chưa đầy 1 cây số vuông sau những đợt tàn phá dữ dội, làng mạc tiêu điều, đồng ruộng xơ xác nhưng vẫn không thể nào uy hiếp được tinh thần đấu tranh bất khuất, anh dũng của cán bộ, du kích xã Triệu Trạch. Từng cán bộ, chiến sĩ hạ quyết tâm kiên quyết tấn công, hợp đồng chiến đấu, đập tan mọi âm mưu thủ đoạn của địch. Chốt Long Quang chính là dấu tích lịch sử của một thời chiến tranh ác liệt, là biểu tượng anh hùng của nghệ thuật chiến tranh nhân dân.

 

Còn với Tượng đài Chiến Thắng Cửa Việt đã ghi lại chiến công oanh liệt của quân và dân ta đập tan cuộc hành quân lấn chiếm Cửa Việt năm 1973 của quân ngụy Sài Gòn. Đây là chiến thắng có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, trực tiếp góp phần đánh bại âm mưu phá hoại Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chiến thắng Cửa Việt là minh chứng hùng hồn về quyết tâm chiến đấu mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh của các lực lượng vũ trang và dân quân, du kích để bảo vệ toàn vẹn vùng giải phóng, bảo vệ hải cảng Cửa Việt, một vị trí có ý nghĩa chiến lược không những đối với tỉnh Quảng Trị mà còn đối với cả miền Nam. Đặc biệt, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn là một quần thể kiến trúc gồm nhà trưng bày và nhà tưởng niệm, nhà lưu niệm, nhà đón tiếp, hệ thống đường nội bộ, sân vườn... Hiện tại, khu lưu niệm có hơn 400 hiện vật được trưng bày. Ngoài các loại sách báo, tranh ảnh, hiện vật liên quan đến đồng chí Lê Duẩn, còn có cả các dụng cụ nghề mộc, rèn của cụ thân sinh Tổng Bí thư khi cả gia đình đồng chí sinh sống bên bờ sông Thạch Hãn thuộc xã Triệu Thành…

 

Mới đây, Di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn được xếp hạng quốc gia là sự ghi nhận đúng đắn cụ thể, sâu sắc và sinh động về vai trò, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của lị sở chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong, đánh dấu mốc quan trọng khai mở một triều đại mới- triều đại chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn và những công lao đóng góp của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong sự nghiệp mở mang bờ cõi đất nước.

 

Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch Lê Đình Liêm cho biết, trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, Đảng ủy xã thường xuyên chỉ đạo xã đoàn, các trường học… đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, trên địa bàn xã có Di tích lịch sử quốc gia “Chốt thép Long Quang” nên trong các ngày lễ, tết… cán bộ, đảng viên, các em học sinh và nhân dân trên địa bàn xã đến dâng hoa dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ, qua đó khơi dậy lòng yêu nước cho nhân dân trong xã.

 

Bí thư Huyện đoàn Triệu Phong Nguyễn Trịnh Điển cho biết, để khai thác có hiệu quả các công trình di tích lịch sử cách mạng, văn hóa trên địa bàn huyện, hằng năm Huyện đoàn chú trọng công tác giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh thiếu nhi và xem đây là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài. Từ năm 2012 đến nay, toàn huyện đã tổ chức hơn 1.500 buổi sinh hoạt truyền thống, các đợt sinh hoạt chính trị có quy mô. Bên cạnh những chương trình, đợt sinh hoạt truyền thống thường xuyên như “Tuần lễ thanh niên làm theo lời Bác”, tổ chức các diễn đàn “Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”, diễn đàn “Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn”, hay “Ngày hội đoàn viên”, Ngày hội “Thiếu nhi khỏe tiến bước lên đoàn”,“Theo bước chân những người anh hùng”, “Tuổi trẻ nhớ lời Di chúc theo chân Bác”, “Thắp lửa truyền thống- Tiếp bước cha anh” cho đoàn viên thanh niên, Ban Thường vụ Huyện đoàn còn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục gắn với những công trình phần việc như chương trình “Bữa cơm gia đình - Ấm tình lòng mẹ” dành cho Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện, “Tuổi trẻ Triệu Phong đồng hành với những người yếu thế”, “Diễn đàn văn hóa sử dụng mạng xã hội”, chỉ đạo các đơn vị cơ sở đảm nhận chăm sóc hơn 60 địa chỉ đỏ, các di tích lịch sử cách mạng, các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn huyện, tổ chức hơn 150 hoạt động tham quan về nguồn giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng quê hương cho thanh thiếu nhi, tổ chức lễ kết nạp đoàn viên ở Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tượng đài Chiến thắng Cửa Việt, Di tích lịch sử quốc gia “Chốt thép Long Quang” … Những hoạt động đó góp phần tập hợp đoàn kết thanh niên, phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, rèn luyện, bồi dưỡng tinh thần yêu quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng, xây dựng kĩ năng, lí tưởng cho thanh niên trong thời đại mới.

 

Nguyễn Vinh - báo Quảng Trị 

Những tin mới hơn