Tiếp tục khẳng định vai trò, hiệu quả công tác dân vận của Đảng
Công tác dân vận của Đảng góp phần quan trọng vào việc củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo với những lời lẽ không đúng sự thật. Kiên quyết bác bỏ, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc sẽ giúp bảo vệ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, hiệu quả của công tác dân vận đối với đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chủ trương, đường lối đúng đắn, hợp lòng dân
Chủ nghĩa Mác - Lênin luôn đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, coi sức mạnh của nhân dân là vô địch; muốn lãnh đạo cách mạng phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, cách mạng muốn thắng lợi phải được đông đảo nhân dân ủng hộ. Quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, sinh thời, xuất phát từ quan điểm: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”[1], Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ: “Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”[2].
Đặc biệt, ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, trong đó Người khẳng định rõ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[3]. Có thể khẳng định, đây là tác phẩm có giá trị sâu sắc đối với công tác dân vận, được coi là “cẩm nang” về công tác dân vận; đã chỉ rõ mục đích, đối tượng, nhiệm vụ và phương pháp công tác dân vận đối với các cấp, ngành, với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đảng vừa là người lãnh đạo, cầm quyền, vừa là người phục vụ nhân dân, còn nhân dân tự giác đi theo Đảng, chịu sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân.
Tại Đại hội VI của Đảng (1986), bài học đầu tiên trong những bài học được Đảng ta đúc kết là: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”[4]. “Phải đặc biệt chăm lo củng cố sự liên hệ giữa Đảng và nhân dân”[5]. Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, ngày 27-3-1990, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) ban hành Nghị quyết số 08B-NQ/HNTƯ về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”, nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Một là, cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; Hai là, động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; Ba là, các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; Bốn là, công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể”[6].
Trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, Đảng tiếp tục ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận; về vị trí, vai trò của công tác dân vận đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như: Nghị quyết số 25-NQ/TƯ ngày 3-6-2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Tiếp đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh việc phát huy vai trò của nhân dân và dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, Đảng rút ra 5 bài học kinh nghiệm, nhất là bài học: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[7].
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 30-7-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 23-QĐ/TƯ về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về công tác dân vận trong tình hình mới. Nhìn chung, các nghị quyết, quyết định của Đảng trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ và phương pháp tiến hành công tác dân vận của Đảng; khẳng định phải không ngừng nâng cao chất lượng công tác dân vận; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp vận động quần chúng nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng.
Từ thực tiễn trên cho thấy, những giọng điệu bôi nhọ, xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác dân vận là không có giá trị. Bởi ngay từ rất sớm, công tác dân vận là một trong những mặt công tác cơ bản của Đảng, được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo bằng những chủ trương, đường lối đúng đắn, hợp lòng dân, huy động được sức mạnh của toàn dân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân
Thực hiện chủ trương của Đảng, công tác dân vận trong các cấp, ngành và hệ thống chính trị đã hướng mạnh về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; nêu cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trước nhân dân. Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Ban Dân vận Trung ương phát động năm 2009 đã được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị hưởng ứng tích cực. Đến tháng 10-2024, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có hàng vạn mô hình hay, điển hình tiên tiến được nhân rộng, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả phong trào thi đua ở các cấp, ngành và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với những kết quả đạt được, “Dân vận khéo” thực sự là một phong trào luôn vì nhân dân, luôn lấy người dân làm trung tâm trong quá trình thực hiện; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh.
Gần đây nhất, công tác dân vận bằng nhiều hình thức sáng tạo đã vận động hiệu quả nhân dân đồng hành cùng cấp ủy, hệ thống chính quyền các cấp trong phòng, chống đại dịch Covid-19; đặc biệt là trong khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra ở các tỉnh, thành phố phía Bắc. Đây thực sự là biểu tượng sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời kỳ mới, cho thấy chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng.
Ngoài ra, công tác dân vận còn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở các địa phương, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị. Đội ngũ cán bộ dân vận đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, xây dựng “thế trận lòng dân”, khu vực phòng thủ vững chắc… Trên cơ sở đó, niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ được củng cố, tăng cường; kinh tế - xã hội từng bước phát triển; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được củng cố và giữ vững; công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, vị thế nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực; qua đó, giúp củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và góp phần vào phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả đạt được của công tác dân vận là to lớn, tương đối toàn diện, không cho phép bất cứ ai, thế lực nào có thể phủ nhận. Những tiếng nói lạc lõng và những hình ảnh cắt ghép, bôi nhọ công tác dân vận của các thế lực thù địch chỉ là những hành động nằm trong âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa".
Bằng những luận cứ khoa học trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, chúng ta kiên quyết bác bỏ những giọng điệu đó, quyết tâm thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi!
1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 4, tr.19.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 15, tr.142.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 6, tr.232-234.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, Tập 47, tr.362.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, Tập 47, tr.363.
[6] Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 08B-NQ/HNTƯ, ngày 27-3-1990, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”, lưu Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, tr.1-2.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2021, Tập 1, tr.96-97.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu