Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu chiến lược của Việt Nam từ nay đến giữa thế kỷ XXI là xây dựng nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để lãnh đạo thực hiện thành công con đường phát triển và các mục tiêu chiến lược đến giữa thế kỷ XXI, Đảng Cộng sản Việt Nam cần tiếp cận sáng tạo và tận dụng thành công mọi cơ hội, tiềm năng, lợi thế; chủ động trước những nguy cơ, rủi ro, thách thức; bảo đảm tầm nhìn lãnh đạo đúng đắn, kịp thời trong thế giới đang thay đổi; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện tư duy chiến lược đúng đắn, phù hợp.
Lãnh đạo chiến lược bao gồm ba nội dung: phân tích chiến lược, hoạch định chiến lược và thực hiện chiến lược.
Phân tích chiến lược là phân tích, đánh giá môi trường bên trong và bên ngoài, mục tiêu và không gian chiến lược, khoảng cách giữa hiện tại và mục tiêu chiến lược.
Hoạch định chiến lược là xác định phương châm, lộ trình, bước đi, kế hoạch và các nguồn lực thực hiện chiến lược.
Thực hiện chiến lược là ra các quyết định chiến lược, chủ động ứng phó trước các tình huống chiến lược, tổ chức triển khai chiến lược đến thành công(1).
Như vậy, để nâng cao năng lực lãnh đạo chiến lược cần thực hiện tốt 3 nội dung nêu trên.
Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, mục tiêu chiến lược của Việt Nam là Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; với các mục tiêu cụ thể: đến năm 2025, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
2. Tận dụng thành công mọi cơ hội, tiềm năng, lợi thế
Việt Nam và các nước trên thế giới đang trong những bước chuyển biến sâu rộng, chưa hề có tiền lệ trên mọi lĩnh vực của đời sống nhân loại. Để đạt thêm một bước phát triển, nhất là để tiến lên trình độ phát triển mới, đất nước cần trước hết một sự lãnh đạo đúng đắn, phù hợp của Đảng, trong đó phải vừa kiên trì và sáng tạo, vừa kế thừa và đổi mới, vừa tôn trọng quy luật khách quan và thích ứng với điều kiện cụ thể nhằm giữ vững con đường độc lập dân tộc và CNXH, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược, các mục tiêu cụ thể được xác định cho các cột mốc 2025, 2030 và 2045. Những vấn đề lý luận và thực tiễn căn cốt ấy được khoa học lãnh đạo hiện đại tích hợp trong phạm trù lãnh đạo chiến lược, mà đối với một đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam rất cần tiếp cận sáng tạo và triển khai hiệu quả trên những phương diện cơ bản.
Xu thế lớn của thế giới tiếp tục là hòa bình, hợp tác và phát triển, đó là cơ hội quý giá mà Việt Nam cần tận dụng. Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay, thấy rất rõ một sự thật rằng, trong nhiều thập kỷ, Đảng và nhân dân ta phải tiến hành công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng CNXH trong hoàn cảnh chiến tranh cả trong phạm vi quốc gia và ở quy mô toàn cầu, đặt con đường và mục tiêu phát triển của Việt Nam vào hoàn cảnh đặc thù của chiến tranh, trong đó có rất nhiều bất lợi, trở ngại, khó khăn.
Từ cuối thế kỷ XX đến nay, đã xuất hiện nhiều xu thế mới trong đời sống thế giới, trong đó xu thế lớn là hòa bình, hợp tác và phát triển. Mặc dù còn nhiều mâu thuẫn gay go, phức tạp, nhưng các quốc gia trên thế giới, các thế lực toàn cầu đều ưu tiên cho mục tiêu phát triển nhằm phòng tránh nguy cơ, thậm chí khắc phục sự tụt hậu (tương đối và tuyệt đối) về trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Thay cho tư duy thắng - thua (tổng bằng không), là tư duy các bên cùng có lợi (win-win) lấy hợp tác làm phương thức chủ đạo trong các quan hệ quốc tế.
Hợp tác song phương và đa phương; hợp tác tiểu vùng, khu vực, liên khu vực và toàn cầu; hợp tác kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội, khoa học - giáo dục, quân sự - an ninh và chính trị - ngoại giao; hợp tác chính phủ và phi chính phủ; hợp tác trên các cấp độ tối huệ quốc, đối tác và đối tác chiến lược… đang tạo ra bức tranh hợp tác ngày càng toàn diện, sâu rộng gắn kết các quốc gia dân tộc với nhau bằng rất nhiều loại hình lợi ích, biến họ trở thành các chủ thể tùy thuộc lẫn nhau ngày càng hữu cơ, sống còn.
An ninh toàn cầu còn phức tạp, khó lường nhưng hòa bình vẫn được bảo đảm bằng những yếu tố của bản thân thế giới ngày nay, mà theo giới nghiên cứu chiến lược quốc tế có thể kéo dài trong vài thập kỷ tới.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đã đem lại cho đất nước cơ đồ, vị thế, uy tín và sức mạnh mới, tạo ra tiềm năng toàn diện cho con đường, mục tiêu phát triển của Việt Nam. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quy mô GDP năm 2023 đạt 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt 4.285 USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, xuất siêu gần 28 tỷ USD (nhiều nhất từ trước đến năm 2023), góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định” (ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 02 trong 62 nước được nâng hạng); giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022.
Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 7 đối tác chiến lược toàn diện, 11 đối tác chiến lược và 12 đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 thực thể kinh tế trên thế giới, thu hút trên 450 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài và trên 150 tỷ USD viện trợ phát triển chính thức.
Vị trí địa chính trị và địa kinh tế nằm ở tuyến chủ lưu trong khu vực phát triển năng động nhất thế giới hiện nay là châu Á - Thái Bình Dương tạo ra lợi thế quan trọng cho Việt Nam trên con đường phát triển. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt rất lớn; là một trong ba trung tâm kinh tế toàn cầu (40% dân số, 60% GDP, 50% thương mại) và là khu vực phát triển năng động nhất, nơi có 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, có 9 thành viên thuộc nhóm G20 và nhiều nền kinh tế mới nổi, năng động như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước công nghiệp hóa mới, các nước cải cách, đổi mới thành công…
Bước sang thế kỷ XXI, nền kinh tế các nước Đông Á như trụ cột của khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhiều bước tiến lớn: chiếm 30% tổng lượng xuất khẩu của thế giới, 2/3 tổng lượng dự trữ ngoại hối của thế giới, 36% tỷ trọng kinh tế toàn cầu, trên châu Âu và Bắc Mỹ, cơ chế hợp tác đa phương khu vực không ngừng được cải thiện, đổi mới sáng tạo, dẫn đầu thế giới về tự do kinh tế - thương mại. Quy mô GDP hiện nay của các nước Đông Á tính theo sức mua tương đương (PPP) đạt xấp xỉ 35.000 tỷ USD, tương đương 40% GDP thế giới. Dự báo, đến năm 2050, tỷ trọng kinh tế của ba khu vực Đông Á, Bắc Mỹ và EU trong nền kinh tế thế giới sẽ lần lượt là 42%; 15% và 10%.
Nhìn lại lịch sử, đã có thời đại trung tâm phát triển của thế giới tồn tại ở châu Á; rồi sau đó dịch chuyển sang châu Âu - Đại Tây Dương và ở thời đương đại lại trở về châu Á - Thái Bình Dương. Từ năm 1945 đến nay, đã liên tiếp xuất hiện các thần kỳ về phát triển là Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ II, các con hổ châu Á (Hàn Quốc, Xinhgapo, vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông) trong thập niên 90 thế kỷ XX và Trung Quốc trở thành nước lớn đặc sắc thời đại mới đầu thế kỷ XXI. Dòng chảy lớn của lịch sử thế giới đang tạo ra xu thế và cơ hội quý báu cho các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam được hưởng làn sóng tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ, bền vững.
3. Chủ động trước những nguy cơ, rủi ro, thách thức đến giữa thế kỷ XXI
Việt Nam nằm ở tuyến chiến địa trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương chứa đựng nhiều nguy cơ xung đột, chiến tranh. Trong vòng 500 năm qua, thế giới đã trải qua 16 lần có sự cạnh tranh ngôi vị bá quyền giữa cường quốc mới nổi với siêu cường hiện tồn; chỉ có 4 lần diễn ra trong bối cảnh tương đối hòa bình, còn lại 12 lần xảy ra chiến tranh lớn. Thực tế ấy đã khiến cho các nhà nghiên cứu lịch sử nhìn nhận chiến tranh như một định mệnh của loài người mỗi khi xuất hiện một thế lực toàn cầu mới, mà lần này là giữa siêu cường Mỹ và cường quốc lớn nhất đang trỗi dậy Trung Quốc(2).
Với những thành tựu to lớn, toàn diện của công cuộc cải cách, mở cửa bắt đầu từ năm 1978, Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành nước lớn đặc sắc bước vào thời đại mới, có nền kinh tế thứ hai thế giới, “đại công xưởng sản xuất” toàn cầu, thế lực thương mại số một, cường quốc khoa học - công nghệ, có quân đội hàng đầu thế giới, chủ động dẫn dắt hội nhập quốc tế trên quy mô thật sự rộng lớn… Trung Quốc vừa là đối tác khó bỏ qua và đối thủ khó chấp nhận của siêu cường Mỹ. Nhưng trên hết, đúng như Jens Stoltenberg, Tổng Thư ký NATO nhận định vào tháng 6 - 2020 rằng Trung Quốc là mối đe dọa quá lớn để Mỹ có thể tự mình đối phó(3).
Từ đầu năm 2018 đến nay, các chính quyền Mỹ công khai phát động thực hiện cuộc cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, các biện pháp trừng phạt nặng nề, thậm chí cả đe dọa quân sự… chống Trung Quốc. Hai nước đã bước vào cuộc chiến vì ngôi vị đứng đầu quyền lực thế giới một cách không khoan nhượng. Hệ quả từ cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đối với con đường, mục tiêu phát triển của thế giới, nhất là các quốc gia nằm ở khu vực chiến địa châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam là rất phức tạp.
Ở trong nước, bốn nguy cơ vẫn tồn tại, có mặt gay gắt hơn, cộng với nguy cơ về môi trường sinh thái trở thành những nguy cơ rủi ro, thách thức rất lớn đối với đất nước.
Một là, đất nước sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu hệ thống chính sách không tạo đủ động lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Như vậy cần có hệ thống chính sách phát triển nhanh và hệ thống chính sách phát triển bền vững. Chính sách đồng thời thúc đẩy phát triển nhanh và phát triển bền vững. Thách thức đặt ra ở đây là năng lực và nghệ thuật kết hợp hai hệ thống chính sách khác nhau ấy, thậm chí đối lập nhau trong một quá trình phát triển thống nhất.
Hai là, chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng do khủng hoảng, dịch bệnh…làm đình trệ nền sản xuất, kinh doanh của Việt Nam. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, từ năm 1970 đến nay đã nổ ra hàng chục cuộc khủng hoảng kinh tế và nhiều cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch toàn cầu gây ra, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các nền kinh tế và các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam hiện nay.
Ba là, tình trạng biến đổi khí hậu, trái đất ấm lên, nước biển dâng trong kịch bản tồi tệ nhất, đặt Việt Nam vào bối cảnh rối loạn khó lường, có thể bị tiêu tan không gian, đất đai và sinh kế của hàng triệu đến hàng chục triệu người ở đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương ven biển. Bất ổn, thậm chí rối loạn xã hội có thể xảy ra trong các tình huống đó.
4. Bảo đảm tầm nhìn lãnh đạo đúng đắn, kịp thời trong thế giới đang thay đổi
Năng lực lãnh đạo thực hiện con đường phát triển và các mục tiêu chiến lược của Việt Nam đến giữa thế kỷ XXI trước hết là năng lực xây dựng một số tầm nhìn cấp thiết sau đây:
Tầm nhìn về xu thế phát triển bền vững của thế giới. Từ cuối thế kỷ XX, cộng đồng quốc tế có nhiều thức tỉnh trong nhận thức về nội hàm của phát triển và đã có ngày càng nhiều tiếng nói yêu cầu bổ sung, hoàn thiện mô hình phát triển phù hợp, đầy đủ. Đặc biệt, sau khủng hoảng năm 2008, cộng đồng quốc tế thống nhất chuyển hẳn sang mô hình phát triển bền vững. Năm 2015, Liên hợp quốc công bố 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG), được cụ thể hóa thành 169 chỉ tiêu rất sinh động để chính phủ 193 quốc gia thành viên triển khai thực hiện đến năm 2030 phải hoàn thành(4). Đây là mô hình phát triển bao trùm, toàn diện; sự phát triển hôm nay phải là tiền đề cho phát triển của ngày mai; không đánh đổi văn hóa, tiến bộ xã hội, môi trường sinh thái… lấy tăng trưởng kinh tế; không để cá nhân, tầng lớp xã hội, cộng đồng, quốc gia dân tộc nào bị loại ra khỏi quá trình phát triển…
Tầm nhìn về bước ngoặt vận động của thế giới do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra. Phát triển là một quá trình lịch sử - tự nhiên từ trình độ thấp lên trình độ cao, được quyết định suy cho cùng bằng các yếu tố vật chất khách quan, trong đó có nguồn lực con người, nguồn lực tự nhiên, tư liệu sản xuất…
Trong quá trình lịch sử - tự nhiên đó, những bước chuyển trình độ, nấc thang phát triển đều gắn với những phát minh lịch sử, với sự ra đời của những nền văn minh lớn, với những cuộc cách mạng công nghiệp.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra từ đầu thế kỷ XXI, khai sinh ra nhiều nền tảng công nghệ mới (internet vạn vật, dữ liệu lớn, t.r.í t.u.ệ n.h.â.n t.ạ.o, sản xuất theo công nghệ 3D, biến đổi gen và công nghệ sinh học…), buộc toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội phải tiến hành quá trình c.h.u.y.ể.n đ.ổ.i s.ố, gắn kết hiện thực vật thể với hiện thực ảo, cái tự nhiên với cái nhân tạo, sống và làm việc trong môi trường hầu như không còn khoảng cách về không gian và thời gian…
Mọi mục tiêu và toàn bộ con đường phát triển phía trước của Việt Nam nhất thiết phải được đặt trong khung khổ thời đại mới, thời đại c.h.u.y.ể.n đ.ổ.i s.ố, kết cấu mạng, t.r.í t.u.ệ n.h.â.n t.ạ.o, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp…
Tầm nhìn về cuộc cạnh tranh cơ hội và các điều kiện phát triển đang diễn ra gay gắt trên thế giới hiện nay. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư nước ngoài giữa các nước ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu”(5). Nhu cầu phát triển của các nước trên thế giới là vô cùng lớn, nhưng khả năng đáp ứng của các nguồn lực thì rất có hạn, nhiều nơi đã cạn kiệt.
Trong bối cảnh hiện tại và cả trong dài hạn, các quốc gia, nhất là các nước lớn sẽ cạnh tranh không khoan nhượng với nhau về các nguồn lực chiến lược như nhiên liệu, lương thực - thực phẩm, nước ngọt, sắt thép, khoáng sản, nguồn nhân lực đã qua đào tạo, linh kiện, thiết bị có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tiền tệ, thông tin, thị trường tiêu thụ có sức mua lớn…
Trong cuộc cạnh tranh này, lô gích cơ bản vẫn có tổng bằng không, vì thế lực này đã giành được cơ hội, điều kiện phát triển thì những thế lực khác sẽ phải nhận những điểm trừ tương ứng, hệt như lô gích sinh tử giữa sư tử và linh dương trong một môi trường mà không thể diễn ra trò chơi các bên đều thắng(6).
5. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện tư duy chiến lược đúng đắn, phù hợp
Để lãnh đạo thực hiện thành công con đường phát triển và các mục tiêu chiến lược của Việt Nam đến giữa thế kỷ XXI, rất cần có tư duy chiến lược đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với điều kiện cụ thể và với lợi ích, nguyện vọng của nhân dân. Trong bối cảnh hiện nay, cần chú trọng bảo đảm một số yêu cầu sau đây:
Một là, nắm vững và thực hiện tốt các nội dung cơ bản của tư duy chiến lược: mục tiêu chiến lược nhất quán; phương châm chiến lược rõ ràng; lộ trình chiến lược cụ thể; nguồn lực chiến lược đầy đủ; phương án xử lý tình huống chiến lược sẵn sàng. Trong 5 nội dung này, đối với Việt Nam hiện nay cần chuẩn bị thật đầy đủ, kịp thời các nguồn lực chiến lược nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025; có nền công nghiệp hiện đại, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045:
Các nguồn lực đầu vào cho nền sản xuất phải là ưu tiên hàng đầu. Hiện Việt Nam nhập khẩu mỗi năm khoảng 350 tỷ USD giá trị hàng hóa, chủ yếu là các nguyên liệu, thiết bị, linh kiện cho nền sản xuất. Trên nhiều lĩnh vực, phải nhập khẩu 70-80% đầu vào và có một số lĩnh vực, con số này lên tới trên 90%. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua như hệ quả không tránh khỏi của sự thiếu vắng nền công nghiệp nền tảng và nền công nghiệp phụ trợ. Ở đây, bộc lộ một trong những điểm yếu trong tư duy chiến lược cần được khắc phục kịp thời.
Các nguồn lực kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn chưa bảo đảm cho nhu cầu phát triển. Tuy có nhiều tiến bộ, nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, kém tính kết nối, hiện đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển. Kết cấu hạ tầng thông tin, số hóa, logicstic… cũng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại và tương lai.
Các nguồn lực khoa học công nghệ còn thiếu và yếu trên nhiều lĩnh vực cơ bản. Mức độ tự chủ về khoa học công nghệ quốc gia còn thấp; gần 65% công nghệ đang được sử dụng ở các doanh nghiệp Việt Nam đến từ các nước đang phát triển, trong đó hơn 30% đến từ Trung Quốc(7). Không thể giữ vững độc lập tự chủ và chủ quyền quốc gia trong thời đại ngày nay nếu không tự chủ ở mức cơ bản về khoa học công nghệ.
Nguồn nhân lực là điểm yếu cuối cùng của Việt Nam trên con đường phát triển hướng tới các mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI. Tuy quy mô khá lớn: xấp xỉ 56 triệu lao động trong tổng dân số gần 100 triệu người (năm 2022), nhưng chất lượng nguồn nhân lực không cao: chỉ gần 15% đã qua đào tạo; chênh lệch rất lớn giữa thành thị và nông thôn, miền núi; còn trên 1 triệu người thất nghiệp… Theo Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaixia 40 năm và Thái Lan 10 năm(.
Hai là, xây dựng tư duy đột phá và xác định trúng các ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tư duy đột phá, một số nơi còn gọi là tư duy đột phá phi thường (EBT), là sự kết hợp của tư duy duy lý, bằng trí tuệ khoa học với tư duy trực giác, bằng trí tuệ cảm xúc nhằm nhận biết và giải quyết các vấn đề đồ sộ, mới mẻ của thế giới ngày nay. Đây là tư duy nhấn mạnh tính duy nhất của giải pháp cho từng vấn đề và tính hệ thống giữa các giải pháp, rất chú trọng vạch ra giải pháp sau giải pháp.
Đối với Việt Nam, quốc gia có thể chế chính trị nhất nguyên, một Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền, tư duy đột phá có giá trị bổ sung cần thiết cho nguyên tắc thống nhất về đường lối, chủ trương, chính sách và sự lãnh đạo, quản lý, điều hành. Tư duy đột phá rất thống nhất với phương pháp luận duy vật biện chứng có linh hồn sống nằm ở “phân tích cụ thể một trường hợp cụ thể”; và cũng có điểm tương đồng với quan điểm của Hồ Chí Minh “chủ trương một thì giải pháp phải mười”.
Trong bối cảnh quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình thấp hiện nay phấn đấu đạt những trình độ phát triển cao hơn trong 2 - 3 thập kỷ sắp tới, Việt Nam cần ưu tiên CNH, HĐH đất nước. Đây là một quá trình kinh tế, kỹ thuật - công nghệ và kinh tế - xã hội toàn diện, sâu rộng nhằm chuyển đổi nền sản xuất và xã hội Việt Nam từ trình độ nông nghiệp lạc hậu lên trình độ công nghiệp với các nền tảng công nghệ ngày càng tiên tiến, hiện đại.
Các chuyên gia trên thế giới đã khái quát 4 trình độ công nghiệp hóa từ thấp đến cao: thấp nhất là trình độ lắp ráp; tiếp đó là trình độ sản xuất với kỹ thuật riêng; cao hơn là trình độ sản xuất với thiết kế riêng; cao nhất là trình độ sản xuất với thương hiệu riêng(9). Nhìn trên nhiều phương diện, Việt Nam đang ở trình độ rất thấp.
Trong thế giới ngày nay, quá trình công nghiệp hóa của mỗi quốc gia không thể tiến hành biệt lập, khép kín mà phải đặt trong chuỗi sản xuất - kinh doanh toàn cầu. Tuy nhiên, để tiến lên trình độ công nghiệp hóa ngày càng cao, mỗi quốc gia nhất thiết phải có một số ngành sản xuất công nghiệp nền tảng, mà thiếu chúng thì không thể triển khai các ngành công nghiệp khác. Các ngành luyện kim, cơ khí, chế tạo, năng lượng, hóa chất… chính là những nền tảng cho các ngành công nghiệp khác có điều kiện, tiền đề xây dựng, phát triển.
Trên thực tế, không ít quốc gia đã không dành sự quan tâm ở tầm chiến lược cho các ngành công nghiệp này. Hệ quả trực tiếp là nền sản xuất công nghiệp quốc gia về cơ bản dừng lại ở trình độ lắp ráp và các ngành công nghiệp phụ trợ cũng không thể phát triển, nền công nghiệp quốc gia ngày càng lép vế trước các cơ sở công nghiệp thuộc các nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với Việt Nam, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là đòi hỏi trở nên bức thiết gấp bội vì nền kinh tế nước ta đã hội nhập rất sâu với nền kinh tế thế giới: giá trị tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 160-200% GDP trong những năm vừa qua. Bởi vậy, quá trình CNH, HĐH ở nước ta phải là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo lợi thế cạnh tranh; bảo đảm tự chủ kinh tế quốc gia thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một ví dụ điển hình thành công ra khỏi tình trạng chậm phát triển trong thời gian ngắn; một thị trường năng động và một quốc gia ổn định, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Trên phương diện rất lớn, đây là thành công của tư duy đổi mới vừa tôn trọng quy luật khách quan và bám sát các điều kiện cụ thể của quốc gia dân tộc cũng như các xu thế lớn của thế giới; thành công của sự lãnh đạo chiến lược sáng suốt, kịp thời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, đất nước rất cần tư duy đổi mới và sự lãnh đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo ở tầm cao hơn nữa: tầm cao của quốc gia vươn tới trình độ quốc gia phát triển và tầm cao của thế giới trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.
XT81/Tạp chí Lý luận Chính trị