Những công trình sâu nặng nghĩa tình ở Trấm

[7/25/2018 3:08:52 PM, lượt xem: 1079 ]

 

Sau ngày quê hương giải phóng, đầu năm 1977, hàng vạn nam nữ thanh niên tỉnh Bình Trị Thiên vượt bao gian khổ cùng nhau vai gánh, tay cuốc tiến về phá đồi, ngăn đập xây dựng nên công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn, cung cấp nước tưới cho vùng đồng bằng rộng lớn của huyện Triệu Hải. Hơn 40 năm sau, cũng tại nơi này, hàng trăm đoàn viên thanh niên đã xung kích “vượt nắng, thắng mưa” để xây dựng nên những công trình sâu nặng nghĩa tình, mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ…

 

 

Đoàn viên thanh niên xây dựng đường bê tông cho thôn Trấm

 

Anh Trần Xuân Anh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, “nhạc trưởng” chiến dịch tình nguyện hè tại thôn Trấm cho biết, trong 15 năm làm công tác tình nguyện khắp nơi trong tỉnh, anh chưa bao giờ có chuyến tình nguyện đáng nhớ như vậy. “Trước chuyến tình nguyện, anh em đã trực tiếp đi khảo sát thực địa rất nhiều lần. Quả thật thôn Trấm tuy chỉ cách Quốc lộ 1 chừng 10 km nhưng đường đi quá gian nan, cách trở. Vậy nhưng, các bạn đoàn viên thanh niên vẫn quyết tâm: Phải xây dựng công trình cho Trấm, không chỉ vì người dân mà còn vì tấm lòng của đơn vị tài trợ quá tâm huyết”, anh Xuân Anh nói.

 

Trước lúc chính thức khởi động chiến dịch, Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn Triệu Phong, Đoàn cơ sở Xã Triệu Thượng và các đoàn trực thuộc đã huy động đoàn viên thanh niên, rồi thuê xe san ủi mở 04 km đường bộ xuyên qua cây rừng để có thể vận chuyển các loại máy móc, vật liệu xi măng, trang thiết bị tiếp cận thôn Trấm… phục vụ chuyến tình nguyện. Nhưng rồi, những cơn mưa nặng hạt đổ xuống đã khiến con đường mới mở trở nên lầy lội. Kế hoạch vận chuyển đường bộ rơi vào bế tắc. Thế là việc vận chuyển chuyển qua dùng đò. “Toàn bộ cát, sạn, xi măng và các trang thiết bị, nhu yếu phẩm, quà tặng… đều phải di chuyển bằng đò dọc, với điểm bắt đầu từ dưới chân đập Trấm chuyển lên. Thời gian dự kiến tập kết các loại vật liệu cho chuyến tình nguyện vì thế cũng sẽ chậm hơn. Xác định được khó khăn, vất vả sẽ gấp bội nhưng ai cũng quyết tâm cao để hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra”, anh Xuân Anh chia sẻ.

 

Phải mất hàng chục chuyến đò dọc chạy liên tục, 200 tình nguyện viên dốc sức từ việc vận chuyển hàng lên xuống đò… rồi dùng xe máy tăng- bo, thậm chí vác vai lên tận địa điểm cách hàng trăm mét để triển khai thi công đường bê tông, xây dựng công trình điện chiếu sáng và tổ chức các hoạt động tình nguyện khác. Chuyến tình nguyện đáng nhớ này, “nhạc trưởng” Trần Xuân Anh và nhiều cán bộ tổ chức khác cũng xắn tay, lăn lộn cùng anh em xách từng xô bê tông, trực tiếp trộn hồ, chạy xe máy chở xi măng và làm nhiều công việc khác cùng anh em đoàn viên thanh niên. Những khó khăn của chuyến tình nguyện này cũng dần được khắc phục với tinh thần và lòng nhiệt huyết tuổi trẻ. “Mình thật sự xúc động khi cả đoàn tình nguyện hầu như làm việc đến hơn 100% sức lực. Ngoài ra đoàn viên thanh niên tại Trấm cũng đã hăng hái giúp đỡ, người dân cũng thương anh chị em nên mang cây nhà lá vườn như mít, chuối, khoai, sắn biếu rồi tích cực động viên anh em nên ai cũng phấn khởi, tỏ rõ sự quyết tâm”, anh Xuân Anh bộc bạch.

 

Đối với Lã Thị Thu Hằng, đoàn viên thuộc Đoàn Thanh niên BIDV, đơn vị tài trợ chính của chuyến tình nguyện đến từ TP.Hồ Chí Minh đã có chuyến tình nguyện trải nghiệm thực tế đáng nhớ. Hằng nói: “Bản thân tôi đi làm công tác tình nguyện đã nhiều lần, khắp nơi trong cả nước, trong đó có nhiều vùng rất khó khăn, nhưng thật sự chưa bao giờ nghĩ chuyến đi này khó khăn, trắc trở đến vậy. Tuy nhiên, đây sẽ là một kỷ niệm thời tuổi trẻ xung kích tình nguyện mà tôi sẽ chẳng thể nào quên. Sẽ mãi nhớ vùng đất, con người ở Trấm dẫu còn nhiều gian khó nhưng luôn đầm ấm tình người!”.

 

Gian khổ của chuyến tình nguyện này sẽ chẳng thể nào diễn tả hết nếu không ăn ở cùng đoàn trong suốt chuyến tình nguyện kéo dài gần cả tuần lễ. Sau nhiều ngày lăn lộn, cùng ăn cùng ở và khắc phục mọi khó khăn với Trấm, cuối cùng 1,2 km đường bê tông thôn xóm đã cơ bản hoàn thành; công trình ánh sáng đường quê dài 1,2 km cũng được đưa vào sử dụng đúng kế hoạch…

 

Đi trên con đường bê tông thoáng rộng, bằng phẳng và sạch tinh tươm mà đoàn viên thanh niên tình nguyện vẫn gọi là “con đường màu xanh”, “con đường hạnh phúc” giờ đã hiện diện tại thôn mình, ông Võ Thọ, (65 tuổi), một cư dân ở vùng đất biệt lập này rất phấn khởi. “Gia đình tôi đi kinh tế mới lên vùng đất này từ năm 1987. Hơn 30 năm qua, cuộc sống ở đây dù đã có nhiều đổi thay nhưng khó khăn, trắc trở nhất vẫn là đường giao thông thì vẫn còn hiện hữu. Trấm từ lâu được xem là ốc đảo, việc đi lại của chúng tôi rất gian nan. Nay các cháu đoàn viên thanh niên xây tặng cho con đường đẹp thế này tôi và bà con cảm kích vô cùng, nhờ đó vơi bớt phần nào vất vả”, ông Thọ bày tỏ.

 

Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2018, Đoàn Thanh niên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Việt Nam đã đóng góp và tài trợ 300 triệu đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn cho thôn Trấm. Tỉnh Đoàn cũng tặng công trình ánh sáng đường quê trị giá 30 triệu đồng cùng nhiều phần quà tặng khác cho người nghèo, học sinh vượt khó học giỏi tại địa phương. Đây chính là những tấm lòng sẻ chia của tuổi trẻ luôn hướng về cộng đồng, đặc biệt là những miền quê xa xôi, cách trở và gian khó. Qua những công trình hiện hữu ấy, chính các bạn đã đóng góp một phần công sức, bầu nhiệt huyết xung kích của tuổi trẻ, được nhân dân địa phương ghi nhận. Bí thư Chi bộ thôn Trấm Võ Tình cho biết, toàn thôn hiện có 128 hộ dân, trong đó có 8 hộ nghèo. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất hoa màu các loại ở bãi biền sông Thạch Hãn, làm nghề rừng, chăn nuôi nhỏ lẻ… Trong số nhiều khó khăn thì đường giao thông nông thôn luôn là nỗi trăn trở nhất của người dân. Bởi hơn 70% đường thôn, xóm ở đây vẫn đang là đường đất lổn nhổn đá sỏi.

 

“Đây là vùng đất trù phú, điều kiện đất đai, tự nhiên khá thuận lợi. Nhưng do giao thông cách trở, ô tô các loại không thể vào tận nơi nên việc phát triển kinh tế- xã hội, giao thương hàng hóa, nông sản của bà con bị hạn chế, đời sống vì thế cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra việc học hành của con em tại thôn cũng khó khăn rất nhiều. Bởi vậy, thông qua những công trình thanh niên thiết thực như đường bê tông, điện chiếu sáng vừa được đoàn tình nguyện xây dựng, thời gian tới chúng tôi mong tiếp tục nhận thêm được sự quan tâm của các cấp bộ đoàn, các ban, ngành cấp trên về đầu tư đường giao thông nông thôn, cấp thiết nhất là tuyến đường lớn để ô tô có thể vào tận thôn. Bởi dù từ đập tràn vào thôn chỉ chừng 3-4 km nhưng hằng chục năm nay chúng tôi chỉ có thể lưu thông được bằng xe máy, mùa mưa thì phải đi đò rất vất vả và hiểm nguy”, ông Tình nêu nguyện vọng.

 

Đức Việt - báo Quảng Trị

Những tin mới hơn