Quảng Trị: 9x ra trường về làm giàu trên đất quê hương

[6/23/2016 2:20:42 PM, lượt xem: 1253 ]

 

9x ra trường về làm giàu trên đất quê hương

Trong khi nhiều sinh viên ra trường chưa tìm được công việc vừa ý hay không cam chịu cảnh thất nghiệp, đành “Nam tiến” để tìm một việc làm tốt hơn thì Trịnh Đình Hoàng (sinh năm 1991) ở thôn Trà Liên, xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) sau khi tốt nghiệp Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt đã quyết định trở về quê xây dựng mô hình trồng nấm.


 

Sau tốt nghiệp đại học, Trịnh Đình Hoàng đã không làm nhân viên kỹ thuật trồng trọt với mức lương khá cao cho các công ty, doanh nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng mà quyết định về quê lập nghiệp. Hiện tại, trong gia trại khép kín rộng gần 70 m2 của Hoàng có hơn 5.000 bịch trồng nấm sò, nấm rơm. Trong thời gian 3 tháng trung bình mỗi bịch nấm như vậy cho thu hoạch khoảng 0,4 kg nấm thương phẩm. Và với giá cả thương lái tìm đến nhà thu mua như hiện nay (40 ngàn đồng/kg nấm), thì bình quân mỗi ngày Hoàng thu nhập gần 500 nghìn đồng từ trồng nấm, sau khi đã trừ đi mọi chi phí. Hoàng cho biết: “Vườn gia đình tôi còn khá rộng, tôi sẽ mở rộng mô hình trồng nấm trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nấm sạch của khách hàng nội, ngoại tỉnh. Cây nấm đã cho mình đủ tiền trang trải cuộc sống, lo cho gia đình rồi…” . 

Thời gian đầu triển khai xây dựng mô hình trồng nấm, cũng như nhiều người khác mới “dấn thân” vào nghề, Hoàng gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Bởi rằng kiến thức, kỹ thuật về trồng nấm thì Hoàng nắm rõ rồi, thực tiễn thì cũng đã “tham khảo, xem đi, xem lại” các mô hình trồng nấm ở nơi Hoàng từng học tập, nhưng cái khó đầu tiên là… tiền đâu để đầu tư, xây dựng gia trại. Sinh viên mới ra trường, không đồng vốn lận lưng nên phải mất nhiều hôm nói ra ý tưởng, thuyết phục, gia đình Hoàng mới đồng ý cho anh cầm sổ đỏ để vay ngân hàng 70 triệu đồng về mở gia trại trồng nấm. Khó khăn đầu tiên tuy đã được giải quyết, còn vấn đề trở ngại thì ra sao? Hoàng kể: “Tôi mất gần một tháng để xây dựng xong gia trại trồng nấm khép kín; mất thêm 20 chục ngày nữa để đưa nấm giống vào trong các bịch, rồi sắp xếp các bịch nấm theo các sạp nhỏ và treo hai bên trên vách gia trại; xong xuôi đang mừng mừng, lo lo ngồi chờ thành quả thì trại nấm khép kín của mình bị… sập do mưa bão và sức nặng của các bịch nấm. Thế là phải bắt tay làm lại từ đầu”. Trở ngại ban đầu ấy không làm chàng cử nhân sinh học Trịnh Đình Hoàng nản chí. Anh quyết tâm thực hiện bằng được mô hình trồng nấm thương phẩm mà lâu nay hằng ấp ủ. Và đến bây giờ, sau gần 2 năm triển khai, bước đầu cho thấy mô hình trồng nấm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của Hoàng rất khả quan và mang lại hiệu quả cao. Khách hàng nội, ngoại tỉnh cũng ưa chuộng sản phẩm nấm sạch của “Hoàng cử nhân”, nên nguồn hàng của Hoàng có bao nhiêu cũng được mua hết và gia trại của anh luôn trong tình trạng “cháy hàng”. 

Thời gian qua, bên cạnh việc chăm sóc, phát triển gia trại nấm của mình, Trịnh Đình Hoàng còn chia sẻ kỹ thuật trồng nấm, cách phòng ngừa, diệt trừ sâu bệnh hại nấm cho nhiều người dân khi họ tìm đến. Nhiều sinh viên học tập ở Huế khi nghe về mô hình nấm sạch của “Hoàng cử nhân” cũng tìm đến để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Nói về việc trồng, chăm sóc nấm, Hoàng cho biết: “Ngoài số vốn ban đầu bỏ ra để xây dựng gia trại, mua giống nấm, bịch nhựa chứa nấm thì việc phát triển nấm ít tốn công sức và tiền của. Để nấm sinh trưởng tốt, mình cần phải theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại nấm, nắm bắt được sự phát triển của cây. Một số bệnh thường gặp phải ở nấm như: mốc xanh, mốc vàng; côn trùng, sâu đục thân hại nấm… cần phải trị kịp thời bằng các loại củ, quả khá quen thuộc ở mỗi địa phương như riềng, tỏi, ớt… giã nhuyễn lấy nước rồi pha với cồn, rượu theo tỷ lệ 1/5 phun đều lên nấm. Cách làm này vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm vừa chữa trị, phòng ngừa được sâu bệnh hại nấm. Cũng chính vì vậy nên sản phẩm nấm thương phẩm của mình được khách hàng đánh giá rất cao về chất lượng”. 

Chia sẻ về dự tính trong thời gian tới, Trịnh Đình Hoàng nói sẽ tiếp tục mở rộng gia trại nấm của mình và trồng thử nghiệm thêm nhiều loại nấm khác nữa để làm phong phú mặt hàng, tăng nguồn thu nhập. “Còn “thương hiệu”: Nấm sạch của Hoàng cử nhân thì sao?”. Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, Hoàng ngắt một tai nấm dày, màu xám trắng và trên khuôn mặt thư sinh của anh chợt ánh lên niềm phấn khởi khi mơ tính về tương lai… 

                                                                                                                     Bài ảnh: ĐỨC NGHĨA